Lịch sử hoạt động USS Pompano (SS-181)

1937 - 1941

Trong những năm trước chiến tranh, hoạt động dọc theo vùng bờ Tây Hoa Kỳ từ căn cứ San Francisco, California. Pompano đang trên đường hướng sang vùng biển quần đảo Hawaii khi Hải quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12, 1942, khiến chiến tranh bùng nổ tại Mặt trận Thái Bình Dương.[1]

1942

Chuyến tuần tra thứ nhất

Khởi hành từ Trân Châu Cảng vào ngày 18 tháng 12, 1941 cho chuyến tuần tra đầu tiên, Pompano chủ yếu hoạt động trinh sát tại khu vực quần đảo Marshall chuẩn bị cho đợt không kích của các tàu sân bay Hoa Kỳ. Một máy bay của Enterprise (CV-6) đã ném bom nhầm vào nó vào ngày 20 tháng 12,[19] nhưng chiếc tàu ngầm không bị hư hại gì. Nó tiếp tục đi đến áp sát đảo Wake vào ngày 1 tháng 1, 1942 để tiếp tục trinh sát. Nó gặp trục trặc động cơ H.O.R. vào ngày 8 tháng 1, nhưng tiếp tục trinh sát đảo Bikar cùng nhiều đảo khác trong khu vực.[19][1]

Tại lối ra vào cảng Wotje vào ngày 12 tháng 1, Pompano phóng ngư lôi tấn công một tàu buôn được bốn tàu hộ tống bảo vệ,[20] và đánh trúng được hai quả, nhưng không thể xác nhận chiến công này.[21] Năm ngày sau đó, nó lại phóng hai quả ngư lôi tấn công một tàu hộ tống, nhưng các quả ngư lôi bị kích nổ sớm.[22] Khi đối phương quay lại phản công, chiếc tàu ngầm đợi cho khoảng cách rút ngắn còn 1.000 yd (910 m) để phóng hai quả ngư lôi tấn công trực diện, nhưng đều bị trượt. Đợt phản công bằng mìn sâu của đối phương cũng kém chính xác.[23] Sau khi tiếp tục trinh sát đảo Maloelap, nó rời khu vực vào ngày 24 tháng 1 để kết thúc chuyến tuần tra, về đến Trân Châu Cảng vào ngày 31 tháng 1.[1]

Chuyến tuần tra thứ hai

Trong chuyến tuần tra thứ hai từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 18 tháng 6 tại vùng biển ngoài khơi các đảo chính quốc Nhật Bản, Pompano được nạp thêm nhiên liệu tại Midway[24] và đi đến khu vực tuần tra vào ngày 7 tháng 5. Dọc theo tuyến hàng hải về phía Tây Okinawa và trong biển Hoa Đông, nó không tìm thấy mục tiêu phù hợp và chỉ phá hủy một thuyền buồm bằng hải pháo vào ngày 24 tháng 5. Sang ngày hôm sau, nó truy đuổi một tàu buôn trong suốt bảy giờ[24] trước khi phóng ngư lôi đánh chìm được chiếc Tokyo Maru (902 tấn) tại vị trí khoảng 70 nmi (130 km) về phía Tây Naha, Okinawa, tại tọa độ 27°03′B 127°03′Đ / 27,05°B 127,05°Đ / 27.050; 127.050.[18] Đang trên đường chuyển đến hoạt động tại khu vực Đông Ấn thuộc Hà Lan vào ngày 30 tháng 5, nó bắt gặp một tàu buôn lớn được một tàu khu trục hộ tống. Chiếc tàu ngầm cơ động đón đầu và phóng ngư lôi ở khoảng cách chỉ có 750 yd (690 m), trúng đích hai phát[24] và đánh chìm được chiếc Atsuta Maru (7.983 tấn) hai giờ rưỡi sau đó, về phía Đông Okinawa, tại tọa độ 26°07′B 129°06′Đ / 26,117°B 129,1°Đ / 26.117; 129.100.[18][1]

Sắp cạn nhiên liệu và không thể tiếp nhiên liệu tại Midway do một trận chiến lớn sắp diễn ra tại đây, Pompano bắt đằu hành trình rút lui về Trân Châu Cảng. Dù vậy nó vẫn phá hủy một tàu hơi nước nhỏ bằng hải pháo vào ngày 3 tháng 6, rồi hai ngày sau tiếp tục đánh chìm một tàu đánh cá nhỏ. Khi có tin tức về việc Hải quân Đế quốc Nhật Bản gặp thất bại tại Midway đang trên đường rút lui, chiếc tàu ngầm đã phục kích dọc tuyến đường quay về chính quốc Nhật Bản, nhưng đã không bắt gặp mục tiêu. Nó ghé đến Midway vào ngày 13 tháng 6 để tiếp nhiên liệu, trước khi về đến Trân Châu Cảng vào ngày 18 tháng 6, nơi nó được tái trang bị.[25][1]

Chuyến tuần tra thứ ba

Lên đường vào ngày 19 tháng 7 cho chuyến tuần tra thứ ba, tại vùng biển ngoài khơi các đảo chính quốc Nhật Bản, Pompano đi đến khu vực hoạt động vào ngày 3 tháng 8, bắt đầu tuần tra cách bờ biển khoảng 4 nmi (7,4 km). Vào nữa đêm ngày 7 tháng 8, nó phóng bốn quả ngư lôi tấn công một tàu buôn nhưng tất cả đều bị trượt. Hai ngày sau nó bị một tàu khu trục tấn công bằng hải pháo và sau đó là mìn sâu, khiến chiếc tàu ngầm bị ngập nước phòng động cơ, chạm đáy biển làm hư hại vòm sonar, và ắc quy gần cạn hết điện trước khi thoát khỏi đợt tấn công.[26] Đến giữa trưa ngày 12 tháng 8, nó đang tiếp cận một tàu buôn khi một tàu khu trục đối phương xen vào ngay tầm bắn. Chiếc tàu ngầm lập tức phóng một loạt hai quả ngư lôi, và đánh trúng cả hai, và cho là cả hai đều bị đắm; tuy nhiên tài liệu thu được sau chiến tranh không thể xác nhận chiến công này.[21] [1]

Một đợt tấn công khác vào ngày 21 tháng 8 đã không đêm lại kết quả khi một tàu hộ tống tích cực truy đuổi khiến Pompano không thể áp sát ba tàu buôn. Đến sáng ngày 23 tháng 8, nó lại tấn công một tàu chở hành khách lớn, nhưng loạt ba quả ngư lôi phóng ra đều bị trượt, và đối phương phản công bằng hải pháo gắn trên boong. Đến đêm hôm đó nó lại đụng độ một tàu khu trục ở khoảng cách 7.000 yd (6.400 m), nhưng không thể tấn công vì bị đối phương phát hiện và tấn công bằng mìn sâu. Trên đường quay trở về Midway, tại vị trí cách Tokyo 500 dặm (800 km), nó phát hiện Tàu phụ trợ Hải quân số 153 và trồi lên mặt nước để đánh phá bằng hải pháo, đánh chìm được đối thủ sau một giờ. Sang ngày hôm sau nó phát hiện một kính tiềm vọng, nhưng mục tiêu biến mất trước khi nó kịp tấn công. Kết thúc chuyến tuần tra, nó về đến Midawy vào ngày 8 tháng 9, và đến Trân Châu Cảng bốn ngày sau đó.[27][1]

1943

Chuyến tuần tra thứ tư

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: USS Pompano (SS-181) http://books.google.com/?id=bJBMBvyQ83EC http://www.oneternalpatrol.com/uss-pompano-181.htm http://www.navy.mil/navydata/cno/n87/usw/issue_9/s... http://www.ibiblio.org/hyperwar/Japan/IJN/JANAC-Lo... http://www.navsource.org/archives/08/08181.htm //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //www.worldcat.org/oclc/18121784 https://www.history.navy.mil/research/histories/sh... https://uboat.net/allies/warships/ship/2945.html